“KINH NGHIỆM GIÁO DỤC BIỂN - ĐẢO THÔNG QUA CÁC BÀI HỌC ĐỊA LÝ LỚP 12 TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG”
Thứ tư - 15/11/2017 03:26
Hoàng Nam Thắng Phó Hiệu trưởng
PHẦN I. MỞ ĐẦU
1.1. Lý do chọn đề tài.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì giáo dục có một vai trò rất quan trọng, không chỉ đào tạo nên những lớp người có trình độ, kiến thức mà còn đào tạo nên những thế hệ con người yêu nước, yêu tổ quốc sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào khi đất nước cần. Trong cấu thành đó, bộ môn Địa Lý đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước thông qua các tiết dạy trong chương trình giáo dục lớp 12 trung học phổ thông.
Trước tình hình xâm lấn, gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay thì công tác giáo dục Biển – Đảo, chủ quyền biên giới thiêng liêng của tổ quốc là việc rất cần thiết. Thông qua các tiết dạy giáo viên cung cấp các thông tin như phạm vi chủ quyền trên biển, vai trò của các đảo và quần đảo, tiềm năng từ biển, vai trò của biển đến sự phát triển kinh tế xã hộ - an ninh quốc phòng…
Thấy được tầm quan trọng như trên, tôi chọn đề tài “Kinh nghiệm giáo dục Biển - Đảo thông qua các bài học Địa lý lớp 12 trong chương trình trung học phổ thông” làm sáng kiến kinh nghiệm của mình.
1.2 Điểm mới của đề tài.
Qua 6 năm thực hiện sách giáo khoa mới, thì chủ đề Biển - Đảo ngày càng được chú trọng trên thực tiễn của sự phát triển kinh tế xã hội - an ninh quốc phòng của nước ta hiện nay. Xuất phát từ thực tế bản thân viết sáng kiến kinh nghiệm này dựa trên sự hiểu biết, kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm nên đề tài này hoàn toàn mới, qua tìm hiểu thì chưa có đồng nghiệp nào chắp bút nghiên cứu.
1.3. Phạm vi áp dụng đề tài, sáng kiến.
Đề tài chỉ áp dụng ở môn Địa lý lớp 12 trong chương trình trung học phổ thông cả sách cơ bản và nâng cao.
PHẦN II. NỘI DUNG
1.Tìm hiểu về biển đảo Việt Nam.
1.1 Khái quát về Biển – Đảo nước ta.
Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Nước ta giáp với biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông có diện tích hơn 3,4 triệu km2. Bờ biển nước ta dài 3.260km, từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hà Tiên, Kiên Giang. Như vậy cứ l00 km2 thì có l km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất liền/1km bờ biển). Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2/330.000km2. Trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Biển đảo nước ta có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Biển Đông có khí hậu biển là vùng nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển, tồn tại tốt. Có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, quý hiếm.
Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.
1.2. Tiềm năng và tầm quan trọng của biển
+ Về kinh tế.
Vùng biển Việt Nam rộng hơn l triệu km2 trong đó có 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trrữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 ngàn thùng/ngày khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng ba nghìn tỷ m3/năm.
Ở vùng biển nước ta đến nay có khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có giá trị kinh tế cao khoảng 110 loài. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 3 triệu tấn/năm. Trên biển nước ta có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú. Dưới đáy biển nước ta có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m2. Bờ biển nước ta chạy dọc từ Bắc tới Nam theo chiều dài đất nước, với 3.260km bờ biển có nhiều cảng, vịnh… rất thuận liện cho giao thông, đánh bắt, hải sản. Nằm liên trục giao thông đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, trong tương lai sẽ là tiềm năng cho ngành kinh tế dịch vụ trên biển (đóng tàu, sửa chữa tàu, tìm kiếm cứu trợ, thông tin dẫn dắt...).
Bờ biển dài có nhiều bãi cát, vụng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, là tiềm năng du lịch lớn của nước ta.
+ Quốc phòng, an ninh:
- Biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển-đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển - đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển trường tồn của đất nước.
1.3. Đảo và quần đảo nước ta và tầm quan trọng của nó
- Đảo và quần đảo:
Vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó:
+ Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo.
+ Bắc Trung Bộ trên 40 đảo.
+ Còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:
+ Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ... Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Các đảo ven bờ gần có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ để bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...
+ Việt Nam có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.
- Đảo và quần đảo nước ta có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vai trò lớn lao trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
1.4. Vịnh Bắc Bộ
- Nằm ở Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam và Trung Quốc.
- Diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang, nơi rộng nhất khoảng 310 km và nơi hẹp nhất khoảng 220km. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ký tháng 12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xác định biên giới lãnh hải của hai nước ở ngoài cửa sông Bắc Luân, cũng như giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta và Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ. Về diện tích tổng thể theo mực nước trung bình thì ta được 53,23%, Trung Quốc được 46,77% diện tích Vịnh.Là vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng l00m. Thềm lục địa Việt Nam khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc.
- Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ, đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5km2 cách đất liền Việt Nam 110km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130km. Có nhiều nguồn lợi hải sản và tiềm năng dầu khí (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn).
1.5. Vịnh Thái Lan
- Nằm ở Tây Nam biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia. Diện tích khoảng 293.000km2, chu vi khoảng 2.300km. Là một vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng 80 mét. Đảo Phú Quốc trong Vịnh là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567km2. Có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 51 vạn tấn). Có tiềm năng dầu khí lớn: Việt Nam đã khai thác và hợp tác khai thác vùng chồng lấn với Malaixia.
1.6. Vài nét về Hoàng Sa - Trường Sa
- Quần đảo Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm giữa Biển Đông. Từ lâu Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa nằm trong kinh độ 1110 ¬¬ đến 1130 Đông, vĩ độ 15045’; đến 17015’, ngang với vĩ độ Huế và Đà Nẵng. Hoàng Sa nằm ở phía Bắc Biển Đông, trên đường biển quốc tế từ Châu Âu đến các nước phía Đông và Đông Bắc Á và giữa các nước Châu Á với nhau. Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trong vùng biển rộng khoảng 30.000 km2 chia ra làm 2 nhóm: Nhóm phía Đông có tên là Nhóm An Vĩnh, nhóm phía Tây là Nhóm Lưỡi liềm. Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938 đến 1947, được tổ chức khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam). Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hoà Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1982 chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nay trở thành huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Năm 1956 Trung Quốc chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Tháng 1/1974, trong lúc quân và dân ta đang tập trung sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã đem quân ra đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
- Quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam. Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi san hô nằm trải rộng trong một vùng biển khoảng 180.000 km2 với chiều Đông Tây là 325 hải lý, chiều Bắc Nam là 274 hải lý, từ vĩ độ 6030’ Bắc đến 120 Bắc và từ kinh độ 111030’ Đông đến 117020’ Đông, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 595 hải lý. Quần đảo Trường Sa được chia làm 10 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bãi Vũng Mây, Bãi Hải Sâm, Bãi Lim, Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao 4 đến 6 mét lúc triều xuống); Ba Đình là đảo rộng nhất (0,6km2) trong quần đảo. Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng này rất khắc nghiệt: nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhiều đảo không có cây. Quần đảo Trường Sa không chỉ là vị trí quân sự chiến lược án ngữ phía Đông Nam nước ta, bảo vệ vùng biển và hải đảo ven bờ, mà còn là một vùng có trữ lượng lớn phốt phát khá lớn, có nhiều loại động thực vật và có thể có nhiều dầu.
Việt Nam đang có mặt và bảo vệ 21 đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa
2.1. Thực trạng của nội dung nghiên cứu.
2.1.1. Tiếp cận vấn đề về Biển, Đảo quê hương.
Khi nói đến toàn vẹn lãnh thổ, rất nhiều người vẫn đơn giản nghĩ tới vùng đất liền chứ rất ít chú ý đến vùng biển đảo. Sự thiếu sót trong suy nghĩ và nhận thức này bắt nguồn từ việc những nội dung về biển đảo ít được đề cập một cách bài bản, nghiêm túc trong chương trình giáo dục các cấp. Chính những thiếu sót đó cho nên trong chương trình sách giáo khoa đổi mới năm 2008 nhiều nội về biển đảo được đề cập một cách sâu sắc.
Để mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu về chủ quyền biển, đảo của nước ta, không có giải pháp nào tốt hơn là đưa chương trình biển, đảo vào chương trình giáo dục các cấp học, Tăng cường giáo dục tài nguyên biển, đảo ở chương trình THPT nhằm giúp cho các em nâng cao ý thức về biển đảo quê hương.
Số tiết, bài, nội dung đề cập về biển đảo còn ít, mà vai trò của biển đảo đối với sự phát triển đất nước là rất quan trọng, có tính sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy ở chương trình THPT , ngoài việc cung cấp các căn cứ pháp lý và lịch sử chủ quyền biển đảo thì cần phải mở rộng, gợi mở những giá trị to lớn về biển, đảo, những hành động, biện pháp khai thác các tiềm năng, thế mạnh và nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo một cách hiệu quả.
2.1.2. Các nội dung biển, đảo được đề cập ở sách giáo khoa Địa lý 12 chương trình THPT.
Trong 45 tiết ở sách giáo khoa Địa lý 12 cơ bản và 62 tiết ở SGK nâng cao có gần 1/3 số tiết được đề cập đến Biển Đông, Biển Đảo nước ta. Một số bài được đề cập rỏ ràng và chi tiết về biển đảo, như bài “ Vị trí địa lý, phạm vi lảnh thổ” “ Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo” Song bên cạnh đó một số bài chỉ đề cập đến một số khía cạnh hoặc là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình giảng dạy, nếu giáo viên không chú ý giáo dục về biển đảo thì vai trò của biển đảo sẽ không thể hiện hoặc rất mờ nhạt. Vì vậy để khắc sâu tình yêu quê hương đất nước trong mỗi học sinh, người thầy phải làm gì?
2.2. Kinh nghiệm giáo dục biển đảo qua các bài học.
2.2.1 Trước hết giáo dục cho học sinh nắm được công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền Biển – Đảo của nước ta trong thời gian qua.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật biển Việt Nam, số: 18/2012/QH13. Đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 Đây là căn cứ có tính pháp lý lớn nhất ở nước ta về Biển Đảo.
Các công ước quốc tế như bộ quy tắc ứng xử Biển Đông DOC, công ước quốc tế Biển năm 1982 củng là những căn cứ pháp lý về quyền và nghĩa vụ trên biển Đông của các quốc gia trong đó có Việt Nam.
Sự đầu tư của nhà nước về mọi mặt như: Hiện đại hoá Quân chủng hải quân nhân dân, Tăng cường tiềm lực quốc phòng, Hỗ trợ ngư dân bám biển, Đưa dân ra xây dựng các đảo, xây dựng các nhà dàn DK, Xây dựng phòng thủ kiên cố các đảo tiền phương…Đã thấy rỏ vai trò của biển đảo nước ta.
2.2.2. Gáo dục biển đảo qua các bài học.
Một sự đổi mới so với sách giáo khoa củ trước đây là việc xác định vai trò của Biển Đảo ngày càng rõ nét và quan trọng hơn, việc đề cập sâu hơn các nội dung, dành thời gian nhiều hơn đã tạo điều kiện cho người thầy thể hiện được vai trò quan trọng của Biển Đảo nước ta. Việc không quan tâm hoặc thờ ơ của học sinh về Biển Đảo là điều nguy hại về công tác giáo dục Biển Đảo và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Trong khuôn khổ của một sáng kiến kinh nghiệm, tôi xin nêu một số bài học có tính giáo dục Biển Đảo một cách sâu sắc nhất trong chương trình trung học phổ thông Sách giáo khoa Địa lý 12.
Bài 2: Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ.
Với bài học này, ngoài việc cho học sinh nắm được vị trí địa lý nước ta trên bộ thì việc xác định toạ độ trên biển là điều cần thiết. để khắc sâu tri thức và giúp học sinh nắm được một cách khái quát không có gì hiệu quả hơn là yêu cầu học sinh sử dụng Atlat hoặc lên bảng để xác định toạ độ địa lý Việt Nam trên Biển và trên bộ qua lược đồ Việt Nam.
Khác với Sách giáo khoa củ, thì trong chương trình SGK mới đưa phần vùng Biển và xác định các bộ phận của vùng biển là vấn đề rất mới. Trước đây, học sinh chỉ biết là vùng biển nước ta có diện tích gấp 3 lần diện tích lãnh thổ, nhưng ở chương trình mới học sinh sẻ nắm được các khái niệm như: Nội thuỷ, đường cơ sở, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được công ước quốc tế về luật biển năm 1982 quy định. Ở phần này, giáo viên cho học sinh vẽ trên lược đồ lãnh thổ nước ta đả chuẩn bị ở nhà, trên cơ sở hướng dẫn cho học sinh xác định vùng Nội thuỷ, đường cơ sở, vùng lãnh hải kéo dài 12 hải lý (tính từ đường cơ sở), Vùng tiếp giáp lảnh hải kéo dài 12 hải lý tính từ mép ngoài cùng của Lãnh hải hoặc Vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Qua việc vẽ và xác định này học sinh sẽ thấy được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam, được luật pháp quốc tế công nhận.
Từ việc xác định được vùng biển, các đảo và quần đảo các em sẽ nhận thức được ý nghĩa to lớn về vai trò của Biển Đảo, dù mất đi một hòn đảo nhỏ hay một bải đá ngầm củng ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia.
Như vậy, công tác giáo dục biển đảo trong suốt chương trình có hiệu quả hay không thì tuỳ thuộc về cách tiếp cận vấn đề của bài học này. Nó được xem như là cơ sở để tiếp cận các vấn đề khác liên quan Biển Đảo.
Bài 9: Chương trình nâng cao( Bài 8 chương trình cơ bản):
Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển.
Khi dạy bài này thì bản đồ Địa lý tự nhiên vùng Đông Nam Á, hoặc bản đồ Địa lý tự nhiên Việt Nam là dụng cụ trực quan không thể thiếu
Ngoài việc thấy rỏ được tổng quát Biển Đông thì học sinh xác định được các quốc gia có lợi ích chung trên Biển Đông và vùng biển của Việt Nam.
Trong bài này, giáo viên cần giáo dục biển đảo qua vấn đề: Ảnh hưởng của Biển Đông đến thiên nhiên Việt Nam. Giáo viên cần đặt ra các câu hỏi lớn như:
- Nếu không giáp Biển thì thiên nhiên nước ta có sự thay đổi so với hiện nay như thế nào?
- Ảnh hưởng của Biển Đông đến thiên nhiên nước ta ra sao?
- Vai trò của Biển Đông đến khí hậu, Địa hình, hệ sinh thái, tài nguyên vùng biển nước ta?
Để trả lời được những câu hỏi trên, ngoài việc vận dụng các kiến thức trong sách giáo khoa thì các em cần có những hiểu biết về tự nhiên. Ví dụ: Nếu không giáp biển thì nước ta mang tính chất nhiệt đới lục địa, khí hậu khắc nghiệt, không có các dạng địa hình như các vịnh nước sâu, các đảo ven bờ, không có nguồn tài nguyên phong phú như thuỷ sản hay dàu khí phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội..., Từ đó học sinh càng nhận thức được ý nghĩa của quốc gia giáp biển, có biển.
Bài 40:(ban nâng cao) Bài 30 (ban cơ bản)
Vấn đề phát triển ngành giao thông vận tải.
Trong các loại hình giao thông vận tải thì vận tải đường biển đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nếu không có ngành vận tải đường biển như quốc gia Lào thì ảnh hưởng như thế nào?
Khi dạy phần giao thông vận tải đường biển, giáo viên cần cho học sinh xác định các điều kiện để ngành này phát triển như: Vùng biển rộng, bờ biển dài, có các vịnh nước sâu để xây dựng các cảng.
Qua việc học sinh xác định được các cảng biển, các tuyến vận tải, giúp nước ta thông thương với quốc tế bằng đường biển thì học sinh sẽ nhận thức được vai trò của biển đảo trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta hiện nay.
Bài 44:(ban nâng cao) Bài 31 (ban cơ bản)
Vấn đề phát triển du lịch.
Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói của nước ta hiện nay. Hàng năm doanh thu từ du lịch rất lớn, nó không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn đưa hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè trên toàn thế giới. Du lịch được xem như là động lực, sức sống của sự phát triển kinh tế.
Vậy, khi dạy bài này giáo viên cần khơi dậy sự hiếu động của học sinh bằng những câu hỏi tình huống, ví dụ:
- Trong mùa hè này, nếu được đi du lịch biển thì em chọn bải tắm,hòn đảo nào cho điểm đến của mình?
Với nhiều ý kiến khác nhau, học sinh sẻ thấy được ý nghĩa, vai trò của từng bải biển trải dài từ Trà Cổ đến Hà Tiên, mỗi nơi có vẻ đẹp của riêng mình.
Qua đó, giáo viên đặt vấn đề: Tại sao cần phải bảo vệ tài nguyên biển đảo? Tài nguên biển đảo có ý nghĩa như thế nào cho phát triển bền vững ngành du lịch.
Từ các câu hỏi trên, học sinh sẽ xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên biển đảo một cách bền vững.
Bài 57:(ban nâng cao) Bài 42 (ban cơ bản)
Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng BĐ và các đảo, quần đảo.
Với bài học này, tầm quan trọng của biển đảo càng được khẳng định đối với việc phát triển kinh tế của nước ta.
Việc xác định các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển là việc làm thường xuyên và cần thiết. Cần khẳng định cho học sinh vì sao cần thiết phải quyết giữ dù một hòn đảo nhỏ của tổ quốc, nó như máu thịt của chúng ta. Sự toàn ven của lãnh thổ có ý nghĩa sống còn, thiêng liêng của mỗi người dân đất việt.
Khi dạy bài này, giáo viên cần đặt câu hỏi:
- Tại sao việc bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo là yếu tố sống còn của quốc gia?
- Nước ta có điều kiện phát triển tổng hợp kinh tế biển được thể hiện như thế nào? Tại sao cần khai thác tổng hợp kinh tế biển đảo?
- Kể tên các đảo lớn và quần đảo của nước ta?
- Ý nghĩa của việc thành lập các huyện đảo của Việt Nam?
Để trả lời các câu hỏi trên, yêu cầu học sinh phải vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề.
Qua đó học sinh càng khẳng định được vai trò to lớn của biển đảo, thấy được tầm quan trọng trong xây dựng các lực lượng để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
2.3 Các giải pháp khi tăng cường công tác giáo dục biển đảo cho học sinh.
- Đối với chương trình sách giáo khoa cần đưa các nội dung rõ nét hơn nữa, cấn có các hình ảnh minh hoạ nhằm thuyết phục học sinh tốt hơn.
- Cần có những bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể, các bài học cụ thể. Việc lồng ghép sẻ không làm nổi bật và khắc sâu kiến thức, tình yêu quê hương trong học sinh.
- Giáo viên cần lựa chọn nội dung thích hợp trong từng bài dạy nhằm tuyên truyền, giáo dục biển đảo phù hợp. Tránh tình trạng ham kiến thức, sa vào một nội dung.
- Đối với mỗi giáo viên cần trang bị kiến thức về biển đảo một cách sâu sắc, một sự hiểu biết rộng. Thường xuyên cập nhật thông tin về biển đảo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong dạy học hiện nay.
- Sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học sẽ mang tính thuyết phục và khắc sâu hơn trong học sinh.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, việc các em có những chứng kiến riêng của mình về vai trò của biển đảo sẻ giúp cho công tác giáo dục thuận lợi hơn.
- Nhà trường và gia đình tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với biển đảo bằng các cuộc dã ngoại, tham quan. Hơn trên các tiết dạy là sự hiểu biết thực tế của các em về tìm hiểu biển đảo quê hương.
- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng về biển đảo nhằm để mọi người dân mà đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng
của biển đảo quê hương.
PHẦN 3. KẾT LUẬN.
3.1 Ý nghĩa của đề tài.
Kể từ bao đời nay, Biển Đông chưa ngừng dậy sóng. Sự ngang ngược, gây hấn, xâm lấn bằng vũ trang của Trung Quốc, bất chấp luật biển của Quốc tế, đầu tháng 5/2014 Trung Quốc kéo dàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải nước ta 80 hải lý đã làm mỗi trái tim con dân đất Việt lên án và căm phẩn.
Việc giáo dục Biển Đảo trong chương trình THPT, mà đặc biệt là đối tượng học sinh sắp bước vào đời có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, Biển đảo quê hương thì giúp các em thấy được vai trò của từng hải lý, từng bải đá ngầm trên biển, các em nhận thức được ý nghĩa của biển đảo trong phát triển kinh tế xã hội.
Hơn trên những lời tung hô, khẩu hiệu thì nhà trường cần trang bị cho các em trong độ tuổi trưởng thành một lý tưởng sống, một kiến thức về tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội hướng ra biển đảo.
Mỗi tấc đất, điểm đảo, nhà dàn DK mà các chiến sỷ, quân và dân chúng ta đang canh giữ là một phần máu thịt không thể tách rời
Với thời gian nghiên cứu có hạn, đề tài chỉ hướng tới một số kinh nghiệm giáo dục biển đảo cho học sinh khối 12. Qua tầm quan trọng của biển đảo chắc chắn năm 2015 bản thân tôi sẻ hướng tới các đối tượng học sinh các khối 10, 11.
3.2. Kiến nghị, đề xuất.
Đối với Bộ GD-ĐT cần trang bị, cung cấp các tài liệu liên quan chủ quyền biển đảo. Trong bộ môn Địa lý THPT cần viết các bài về biển đảo cụ thể, hạn chế tích hợp vào các bộ môn, nhằm giúp các em nhận thấy rỏ tầm quan trọng của Biển đảo.
Đối với nhà trường cần tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại về với biển sẻ giúp các em nhận thức nhanh hơn các bài dạy.
Đối với giáo viên không ngừng nâng cao chuyên môn, cập nhật thông tin về Biển Đảo hàng ngày, đặc biệt là những tin tức có tính thời sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hải dương học và biển Việt Nam – Nguyễn Văn Phòng . NXB GD 1998.
2. Địa lý tự nhiên Biển Đông – Nguyễn Văn Âu. NXB ĐHQG Hà Nội 1999.
3. Sách giáo khoa Đị lý 12- Lê Thông (chủ biên). NXB GD Việt Nam,2010.
4. Các trang Websie như: Cổng thông tin Chính phủ, Vietnamnet, Dantri, Tienphong, Tintuc…