Kỷ niệm

Thứ tư - 15/11/2017 02:02

Kỷ niệm

Tháng 12, không bắt đầu bằng nắng mà bằng những cơn mưa phùn lất phất lan nhẹ bên triền sông, khắp mặt phố đem theo cái se lạnh của mùa đông, tiết trời vừa đủ để các nữ sinh diện màu áo ấm. Trên sân trường những chiếc áo dài trắng thướt tha khoác thêm những tấm áo màu hồng, xanh, đỏ trông thật dễ thương.
Giờ ra chơi các em nô đùa rất thỏa thích, dường như chúng không có cái lạnh của mùa đông thì phải, các em vô tư đến lạ.
Tôi lặng ngắm nhìn và giây phút ấy trong tôi như có một cái gì đó vừa như nuối tiếc vừa như xen lẫn những điều trăn trở, bâng khuâng. Mãi suy nghĩ, từ xa Oanh lớp trưởng (lớp tôi chủ nhiệm) chạy tới hỏi: “Thưa cô bạn Quân lớp mình nghỉ học rồi phải không ạ?”. Tôi bất giác giật mình, ngập ngừng trả lời: “Ừ… bạn Quân nghỉ học vào trong Nam làm ăn rồi em ạ!”
Câu hỏi ấy khiến lòng tôi hụt hẫng, có cảm giác mình chưa làm tròn trách nhiệm với học sinh. Câu hỏi đó còn gợi nhắc cho tôi nhớ rõ cách đây 6 năm cũng có một học sinh nghĩ học có hoàn cảnh tương tự như em Quân. Tôi nhớ rõ ngày ấy, ngày đầu tiên nhận lớp, một cậu bé mắt đeo kính cận, dáng người dong dỏng cao khiến tôi ấn tượng. Có một đặc điểm lạ là bao giờ cũng vậy, tôi luôn thấy em lủi thủi một mình, không mấy khi giao tiếp với bạn bè trong lớp. Nhưng khi tìm hiểu tôi thấy hoàn cảnh gia đình của mình rất đáng thương. Em luôn im lặng bởi em mặc cảm, tủi phận, em không có bố.
Thực ra Minh sinh ra trong một gia đình khá giả, tuổi thơ đầy ắp tiếng cười, gắn liền với những buổi trưa vàng trên cánh đồng đầy nắng, cỏ xanh tít tắp, những cánh diều chao nghiêng vi vu trong gió chiều. Nhưng tất cả những điều đó đối với Minh đã trở thành dĩ vãng, bởi bố em đã bỏ rơi mẹ con em khi em còn chưa đủ hiểu vì sao bố mẹ lại chia tay. Có lần em kể: “Em chỉ nhớ bố em ra đi trong buổi chiều mưa, gió rét dữ dội. Mẹ cũng khóc nhiều như những giọt mưa ngày ấy… bỏ lại em với tiếng kêu lạc lõng: “Bố ơi! Bố hãy quay lại! Sao bố bỏ con mà đi! bỏ con bơ vơ giữa cuộc đời này!”. Dường như tiếng nấc nghẹn ngào của em không thể át tiếng mưa, bởi bố của Minh đã đi xa, xa căn nhà luôn ấm áp tiếng cười của ba, mẹ và Minh. Từ đó bố Minh không về nữa. Nghe đâu “Bố Minh vào Sài Gòn làm việc trong đó”.
Có nhiều lần em tâm sự với tôi: “Em nhớ bố, em nhớ bố lắm cô ạ!. Đi học nhìn lũ bạn có bố chở đến trường, em cũng khát thèm có bố bên cạnh như chúng nó”. Một giáo viên chủ nhiệm như tôi chỉ biết an ủi em “Dẫu em không có bố bên cạnh nhưng mẹ em là người phụ nữ tuyệt vời rất yêu thương lo lắng cho em. Con trai phải biết can đảm lên em nhé!”
Những lời của tôi chẳng khỏa lấp nổi nhớ da diết về bố của Minh. Nỗi buồn trong em cứ lớn dần khiến em chán nản bỏ bê việc học hành và đâm ra nghiện game. Mẹ của Minh cũng khóc hết nước mắt vì Minh.
Rồi Minh quyết định bỏ học. Tôi hết sức khuyên can nhưng không được. Em đã vào Sài Gòn với bố. Bố em xin cho em học trường nghề vừa học vừa làm. Tuy em không còn là học sinh của tôi nữa, nhưng năm nào cũng thế, cứ đến ngày 20/11 em điện về hỏi thăm. Em còn kể cho tôi nghe về cuộc sống, công việc, em còn khoe: “Bây giờ em đã là người lính trong quân đội rồi cô ạ!”. Tôi rất mừng cho em. Bao day dứt, suy tư về đứa học trò có hoàn cảnh gia đình đặc biệt trong tôi dường như tan biến, ánh lên trong tôi niềm vui, niềm hạnh phúc.
Năm tháng trôi qua, cuộc sống với biết bao bận rộn, tôi không nghĩ gì đến câu chuyện về cậu học trò cũ đó nữa.
Ngày kia, vào một buổi chiều, bầu trời trong xanh với những tia nắng chiều sáng lấp lánh, những đám mây trắng xóa trôi nhè nhẹ. Tôi đang ngồi ở nhà chấm bài nghe có tiếng gọi ngoài cổng: “Cô ơi! Cô có nhà không ạ!”. Mở cửa, một anh thanh niên trong trang phục màu xanh của lính, trông rất quen. Cô không nhớ em à? Tôi cố lục lọi trong trí nhớ để nhận ra và điều dễ nhận ra là cặp mắt đeo kính cận. Tôi kêu lên “Minh phải không?”. Em nay khác quá, chững chạc rất nhiều.
Cô trò gặp lại nhau mừng khôn xiết. Minh bảo: “đã 6 năm xa cô rồi cô nhỉ! Thế mà những lời dạy bảo, lời căn dặn của cô em còn nhớ mãi đấy, sẽ theo em suốt cuộc đời này”. Nhìn vào mắt Minh lấp lánh, em vừa nói vừa cười rất tươi, rất rạng rỡ. Qua trò chuyện tôi biết Minh (cậu học trò ngày xưa) nay đã trở thành sĩ quan quân đội, em đang học thêm nghiệp vụ và em còn được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua. Em còn kể cho tôi nghe về những quy định nghiêm ngặt ở doanh trại, những tháng ngày huấn luyện, thao trường nơi lạnh giá. Dẫu vất vả nhưng tôi nhìn vào mắt em chan chứa niềm hạnh phúc rạng ngời. Bởi em đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Em đã thành công.
Guồng quay của thời gian cứ trôi đi một cách lặng lẽ, âm thầm. Mỗi con người đều có những hồi ức kỷ niệm. Có kỷ niệm không đáng nhớ nhưng cũng có những kỷ niệm sống mãi với thời gian. Đối với tôi người học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt ấy để lại trong tôi một ký ức đẹp.
Đã biết bao chuyến đò sang sông nhưng có lẽ cậu học trò năm nào tôi không thể quên. Chúc em sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp, cuộc sống, tương lai. 

Tác giả bài viết: (Theo Nguyễn Thị Hoài Hương- Tổ Văn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • VĂN BẢN MỚI

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:69 | lượt tải:25

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:56 | lượt tải:26

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:49 | lượt tải:24

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:60 | lượt tải:29

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:62 | lượt tải:26
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,042
  • Tháng hiện tại18,162
  • Tổng lượt truy cập2,440,532
hinh anh dong phao hoa 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây