Thăm thầy giáo cũ cách nay 50 năm - Nhớ về lớp 10 thuở ấy...

Thứ tư - 15/11/2017 04:02

Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch (29/4/2007), thầy Nguyễn Quang Đăng mặc veston ngồi giữa, cùng th�

Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch (29/4/2007), thầy Nguyễn Quang Đăng mặc veston ngồi giữa, cùng th�
Nhà báo: Lê Quang Vinh, Học sinh khóa: 01
Hôm 5/1/2016, tôi từ Hà Nội vào TP Thanh Hóa thăm thầy giáo cũ hồi học lớp cách nay đã gần 50 năm. Thầy tên là Lê Doãn Cần – dạy Văn lớp 10 đầu tiên của Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa thành lập.
Đấy là tên “chữ”, còn tên dân dã trên cửa miệng bao thế hệ học sinh, giáo viên và người dân vùng này là “Trường Nam”. “Trường Nam” – thời chiến tranh, suốt mấy chục năm đầu, cái tên “Nôm” (dân dã) này đã đi vào lòng người, vào ký ức, vào thơ, nhạc (“Khúc hát Trường Nam” – từ bao lâu nay, thành “thông lệ” là “trường ca” của mỗi mùa tựu trường, hoặc các dịp lễ lạt cho riêng ngôi trường này)… Thế nên sau này trường “bị” đổi sang tên “Trường THPT số 2 Quảng Trạch”– thì nghe nó “hành chính” quá, khiến ta cảm thấy hơi thiếu đi chút… “mến thương” thế nào ấy(?). Rồi ngày “nâng cấp” thị trấn Ba Đồn lên “thị xã”, tách ra từ huyện Quảng Trạch; huyện nhà bị chia cắt làm đôi, 10 xã vùng Nam Rào Nậy – Sông Gianh (Nam Quảng Trạch) vẫn được ở lại đô thị này, nằm “thẹo lẻo” mé Tây – Nam “Thị xã Ba Đồn”. Trường THPT số 2 Quảng Trạch lại mang tên mới thành “Trường THPT Lê Hồng Phong”
Thầy giáo Cần thời đó có vóc dáng người cao, nhẳng, trông lúc nào cũng “khô khốc”; khuôn mặt nổi rõ hai hốc xương khiến cồn má như “có cạnh”, cùng đôi mắt hơi lồi. Ông luôn kiệm lời – dầu là “thầy văn” thứ thiệt. Thầy quê ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Còn nhớ, ông giáo đang thì tuổi “thanh niên” thế, mà cứ giản dị hoài trong bộ đồ “dã chiến” tứ thời: áo sơ mi vải màu “bộ đội” (sẫm hơn tấm màn sô nhuộm lá mướp màu “cỏ úa” thầy trò luôn đeo bên mình để “ngụy trang” mỗi khi đến lớp thời đó), quần Tây vải ka ki xanh “lơ-mơ-rin”, dép cao su 4 quai, mũ rộng vành bằng lá cọ từ quê thầy đưa vô… Chắc chắn ông giáo trẻ này phải là “đối tượng Đảng”, hoặc cũng là một giáo viên “cứng cựa” số 1 trong dàn 12 cán bộ – giáo viên của trường, mới được giao cho trọng trách vừa là “Bí thư Đoàn trường”, vừa làm “chủ nghiệm” lớp 10 chúng tôi. Sau này có thời gian làm giáo viên cấp 3 Ninh Giang – Hải Dương, tôi mới “đoán” ra như vậy; chứ học trò vào những năm tháng ấy, không ai nghĩ suy gì tới “vai vế” của các thầy cô trong trường đâu. Các vị thực sự như là quý bậc ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình – “kính nhi viễn chi”– được kính nể, tôn trọng lắm!
Khoảng 9 giờ 30′ sáng, tới được nhà thầy giáo ở phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, thì ông đang đi khám bệnh trong bệnh viện cách mấy cây số. Nửa giờ sau, thầy về và hai thầy trò gặp nhau. Ông giáo đã cận kề 80 tuổi, nhưng vóc dáng và trí não còn khá lắm. Thật mừng cho ông giáo quá.
Sau dăm ba phút hàn huyên, ông giáo khoe: tối hôm qua, dầu đã muộn, em Bảy gọi điện ra thăm thầy cả tiếng đồng hồ. Là người Nam Quảng Trạch thứ 3 đấy. Nó nói là lấy số điện thoại từ Lê Quang Vinh. Giọng ông giáo biểu lộ khá phấn chấn. Được thể, tôi đế luôn vào câu chuyện: nguyên do em tìm được thầy là từ việc viết bài báo cho Nguyễn Quang Lập. Bài báo ấy tên là “Thầy Nguyễn Quang Đạng trong tôi” – Cụ Đạng là thân phụ Nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trong tập sách “Một thời để nhớ” của thầy giáo Phạm Ngọc Căng – nguyên dạy tại Trường cấp 3 Quảng Trạch từ những năm đầu thập niên 1960, bài báo được thầy tuyển đăng. Qua thầy Căng, em mò ra số máy, địa chỉ của ông giáo… Từ em, ít thông tin về thầy đã tới được mấy bạn. Trước Bảy thì Suê – người Minh Lệ, nhân gặp bạn đó tai quê nhà, được Lê Quang Vinh bấm máy để nói chuyện với thầy. Hôm đó nói qua điện thoại cũng cỡ nửa tiếng, thầy trò sau 50 năm nghe lại tiếng nói của nhau vui lắm.
Về Nguyễn Thị Bảy, người Cồn Nâm, tôi đã cùng học từ lớp 5 đến lớp 10. Trên Facebook của O ấy, hôm 10/2/2016 , Lê Quang Vinh đã có mấy dòng chia sẻ: “Lớp 10 hồi đó Bảy là người nhỏ nhất; tóc vàng như cô gái Hàn như bây giờ”. Bọn con trai tụi tui lúc mô cũng chiều chuộng, trân quý Bảy. Nhưng răng bạn ít nói vậy? Nguyễn Hữu Trường người làng Phù Trịch học giỏi cả văn lẫn toán, được “Cháu ngoan Bác Hồ”; lại đồng “giải Nhất thi học sinh giỏi Văn 10 tỉnh Quảng Bình” cùng Lê Đình Thám (người Quảng Trung)…khoe là đắm say, Bảy mà cứ câm trong bụng, chả thưa thốt gì. Nó quá giỏi rứa, nhưng khoản ni hắn lại ngu… nhất lớp; nên trượt Bảy trọn đời là phải!
Lớp 10 tôi hồi này là lớp của các “anh chị hai”, vốn được học 2 năm tại Trường PT cấp 3 Quảng Trạch chuyển về, nên nhà trường đặt “đại” lên là… “mẻ thép” đầu tiên. Bọn tôi không cảm thấy “vinh hạnh” gì với cái tên sáo rỗng đó. Cũng không phải vì cái tên đó mà chúng tôi chăm chỉ học hành hơn. Nhưng phải nói thực thà là “bộ thầy” hồi đó mới là “thép thật”. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Đăng (người xã Sơn Trạch, Bố Trạch,– kiêm luôn dạy Trung văn), thầy Nguyễn Văn An (người xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, là Bí thư Chi bộ – dạy Chính trị), thầy Lê Doãn Cần (người Thọ Xuân, Thanh Hóa – dạy Văn), thầy Hoàng Hiếu Nghĩa (người Thanh Khê, Bố Trạch– dạy Toán), cô giáo Lê Thị Hường (người Hòa Ninh – dạy Hóa học), thầy Trần Văn Dũng (người Lệ Thủy– dạy Vật Lý), thầy Mai Xuân Trang (người Nghệ An dạy Địa lý và Sinh vật), thầy Văn Hà Đa (người miền Nam – dạy Lịch sử)… là những thầy cô “truyền lửa” kiến thức cực kỳ bén nhạy, hiệu quả tới trí não – tâm hồn 32 cô cậu tuổi xuân xanh chúng tôi. Tình cảm của các thầy cô dành cho chúng tôi vô tư, trong sáng – đương nhiên cũng có vài thầy “phải lòng” học trò, nhưng không một ai…thành công! Làm sao mà “thành công” được, khi trước mắt chúng tôi là “thiên đường” của các trường đại học trong và ngoài nước từ châu Á, Đông Âu tới Cu Ba bên kia bán cầu…nhưng chả ai phải thi cử. Chỉ cần “lý lịch “tốt ”, hoặc “không có vấn đề gì” – nghiễm nhiên sẽ được Nhà nước “ban cho” một ghế – kèm theo cả “cơm áo gạo tiền”, rồi ung dung “mài đũng quần” mà thành các “cử nhân”, “bác sĩ”, “dược sĩ”, “kỹ sư” thôi…(chuyện “nhập ngũ” là không dành cho bọn tôi, nhưng trong năm cũng có vài ba lần phải theo “phong trào” làm đơn tình nguyện “ba sẵn sàng”!).
Tôi vốn được gọi vô học tại Khoa Toán – ĐH Sư phạm Hà Nội II, sơ tán ở thôn Kim Bài, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Một lần sang chỗ Trường đang học là Khoa Văn – ĐH Sư phạm Hà Nội I, sơ tán tại thôn Thượng Bùi, xã Cộng Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên để nhởi (chơi) với hắn được ăn bánh bao luộc (thực ra là bột mì nhào nước lã, vắt ra luộc chứ không phải “bánh bao” có ủ men chua (bột nở) cho phốp pháp lên cùng đường pha ngọt thoáng qua). Được ăn của rứa mà tôi đã quá “khoái khẩu” (sướng miệng), vì suốt mấy tháng liền nhai sạu Ấn Độ (ngô bung) hạt to bằng đốt ngón tay, do vỏ quá cứng nên nhiều hôm ngỡ “sái quai hàm”.
Tôi giải bày sự khổ ải bên khoa Toán, Trường liền rủ tôi ở lại, rồi “tự tiện” chui vô học cùng lớp Văn 1D với anh ta. Hộ khẩu và mọi giấy tờ đã nộp ở “trường bộ” tại Khu ĐH Sư phạm Cầu Giấy để có tiêu chuẩn lương thực – thực phẩm, là những thứ “sát sườn”, “sống chết” của người sinh viên. Trong người tôi chỉ còn mỗi “Lý lịch Đoàn viên”.
Có lẽ là “học sinh cá biệt” thế nào ấy, nên lời phê của thầy trong cuốn “lý lịch Đoàn” cực kỳ xấu, tôi quá sợ đành không nộp. Đến buổi chi đoàn lớp Văn 1D sinh hoạt, tôi trốn ở nhà, không thèm đi và nói dối “chưa vào Đoàn”. Nguyễn Hữu Trường đã phải mấy lần vất vả mới lôi bằng được tôi ra lớp để sinh hoạt với nó. Nó “uy tín” đến mức “khẳng định mồm”: tui (LQV) là “Đoàn viên” mà thằng Bí thư vẫn tin. Thế là tôi nghiễm nhiên “Đoàn viên” chính thức của chi đoàn như ai. Đoàn viên thời này “quan trọng” gấp mấy trăm lầm “Đảng viên” bây giờ.
Tôi thực sự là “may hơn khun” (khôn). Vốn trong nhà có anh ruột (đương kim) “trung tá” Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng quân ở đường Trường Chinh bây giờ; chị gái thứ 3 là Quận ủy viên – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Khu (quận) Hoàn Kiếm – đều là “Đảng viên” thời chống Pháp. Mự tôi và các anh chị góp tiền mua cho chiếc xe đạp Fa-vô-rít “mới coong”. Trong lớp Văn 1D, chỉ vài cán bộ là giáo viên cấp 2 đi học là có lương và thường cũng có cả xe đạp, sinh viên “phổ thông” không ai có. Thế nên, bạn bè coi chiếc xe này của tôi là “xe công” của lớp, vì đứa mô cũng mượn được. Nguyễn Hữu Trường chưa biết đi, nên chỉ hay ngồi nhờ sau “gác-ba-ga” thôi. Thằng “Bí thư” mượn nhiều nhất. Thằng ni vô Đảng lúc đang lớp 10, người Nghệ An, hiền lắm – tên là Luyến. Khi “kiện toàn” hồ sơ, hắn nói với tôi: “Mi phải nộp lý lịch”. Tui nói: “Tau xé rồi, vì trong đó thầy phê “quan hệ trai gái không lành mạnh”, “yêu đương lãng mạn”; có hành vi “ăn cắp”… nộp vô để “tàn đời” à?”. Thằng Bí thư hỏi lại thằng Trường, Trường quả quyết: “Thằng Vinh hắn nói thàm thàm, thẹ thẹ rứa chơ có chuyện chi mô”! Có lẽ sau đó mấy đứa trong BCH chi đoàn, vì tin thằng Trường, nên trao đổi thế nào mà tôi chỉ “khai lại” lý lịch như “đoàn viên” mới. “Án tại hồ sơ” coi như sạch bong…
Thực ra, tôi có “ăn cắp” cuốn “sổ tay văn học” của Dương Mạnh Đạt thật, khi lộ ra thầy Chủ nhiệm và là Bí thư Đoàn trường, hỏi tới là tôi nhận liền, nên mới thành “án” rất nặng. Dương Mạnh Đạt vốn là người bạn rất thân thiết khi hai đứa cùng đóng chung 3 vở kịch ở Trường cấp 3 Quảng Trạch với nhau. Tôi hỏi mượn cuốn sổ, hắn sợ thế nào nên cứ làm khó, thế là tôi lấy luôn. Tôi lấy để chép lại, xong rồi sẽ trả – định bụng thế. Sổ thằng này dày tới nửa gang, chép rặt thơ “lãng mạn” 1930 – 1945 cùng những bản “nhạc vàng” tiền chiến, khiến tôi rất thích, mê li vì nó quá “độc” và “quý” đối với tuổi “đang tìm hiểu” (đang yêu) của tôi. Đó chẳng khác nào là ngọn gió mới mát lành; nguồn sáng lung linh – kỳ diệu, đầy nhân văn đã lập tức lay động trái tim, khối óc, tâm hồn tôi. Nó chép liền tù tì cả cuốn, chả lẫn bài mô là thơ văn, bài hát “Cách mạng” cả. Cuốn sổ ni nếu lọt ra, có khi thằng Đạt bị đuổi học, đi tù nên càng không thể cho ai mượn là thế. Theo quan niệm thời đó – kéo dài tới sau 1975 vài chục năm nữa, thứ thơ – nhạc yêu đương sướt mướt; chỉ “anh” và “em” thôi; là “đồi trụy và phản động“; là “100% tiểu tư sản”, hẳn là “thơ văn của địch“… nên bị cấm tiệt.
Cái dại của tôi là đưa cuốn sổ cho thầy Trần Văn Dũng đọc, thế là thầy cầm luôn đưa về nhà trọ của thầy. Thằng Đạt rất thân với thầy Dũng, vì có “máu” hát hò như nhau. Một hôm, hắn sang nhởi (chơi) nhà thầy, thế là nhận ra cuốn sổ của mình rồi vồ luôn đem về. Cũng ngay hôm đó, Đạt gặp tôi, hắn chả trách cứ gì, còn nhả nhặn nói: “Thông cảm, không thể cho mi mượn được. Vì cuốn sổ ni mà ba mạ tau (ông bà Dương Mạnh Tuyển) điên dại, khổ sở cả mấy tháng vì quá lo cho tau Vinh ạ”. Những điều ni, hồi đó, sao mà tôi hiểu được… Thật buồn bởi từ những người lớn cả thôi. Sau này, biết “ăn cắp sách” là “không có tội” (Trong dân gian vẫn có câu: “Nếu vì mê đọc mà ăn cắp sách thì nên…tặng thêm sách). Tôi mới đỡ xót xa, tủi hổ.
Năm 2002, tôi vô công tác Đà Lạt, Dương Mạnh Đạt vừa qua cơn bạo bệnh, tôi đến nhà thăm bạn. Không biết ai kể lại đầu đuôi “hậu quả” của vụ “ăn cắp” này cho hắn biết, nên khi vừa bắt tay nhau xong, anh liền ôm lấy tôi rất lâu và nói: “Tụi mình hồi đó vì quá thơ dại, “bản năng” nên thật sự ngu Vinh à “Điếc không sợ súng” là rứa, thật may cho cả hai đứa đó”.
Đứa mô mách với thầy Chủ nhiệm về vụ “ăn cắp” này của tôi, thầy Trần Văn Dũng tuyệt nhiên không nói với ai cả? Nếu nói ra, có khi họa cho thầy. Tàng trữ, lưu hành thứ ni (văn hóa phẩm đồi trụy, phản động) thời đó nguy hiểm hơn ma túy bây giờ. Rồi chuyện “yêu đương” nữa. Tôi làm được bài thơ mô là tụi nó chép chuyền tay nhau, ghi luôn tên mình rồi gửi cho đứa đã phải lòng. Nhí nhố “thơ tình học trò” rứa. (Xin mọi người đọc: “thơ Lê Quang Vinh” và “Cảm thức 42 năm tình đoạn tuyệt” để hiểu thêm).
Thầy xử tôi như vậy là quá nhẹ; nó chỉ nằm im, lưu mãi trong học bạ, lý lịch và ký ức thôi…
Có lẽ lớp 10 tôi là lớp học “vô tiền, khoáng hậu” của ngôi trường này, vì không phiên số hiệu A,B,C…gì cả. Sự “khổ’ cũng là “vô tiền, khoáng hậu” trong “thế giới học đường” của những năm tháng chiến tranh (vào kỳ) ác liệt nhất bởi sự đánh phá dữ dội (điên cuồng) của máy bay Mỹ – Ngụy. Do đó, suốt mấy tháng hè năm 1966, chúng tôi phải vào rừng đốn cây, vác bộ trên đôi vai trần, chân trần những cây gỗ to, dài nặng gấp 2 trọng lượng cơ thể mình. Suốt mấy chục cấy số đường sông dày đặc thủy lôi và đường bộ, trên đầu máy bay quần thảo liên hồi kỳ trận vô cùng nguy hiểm, vẫn quyết tha được gỗ về để đóng góp cho trường (làm nghĩa vụ) dựng trường lớp, làm trụ – kèo hầm kiểu hình “chữ A” (nghe nói là du nhập bên Triều Tiên, từ kinh nghiệm trong chiến tranh “Trung – Triều kháng Mỹ 1950”). Bàn ghế ghép từ từng ống tre nứa; lớp học phải đào đất hạ nền sâu xuống phía “âm ty”, cách “cốt 0” (bình địa) trên nửa thước Tây cho an toàn; rồi (thầy trò) kỳ công xây đắp nên hệ thống “tường thành” – chính là hầm trú ẩn chắc chắn chạy quanh 4 phía lớp học như “đê bao”; cốt sao chống được bom tấn, đạn rốc két (tên lửa không đối đất từ trên máy bay Mỹ bắn xuống) và ngăn mưa gió bão bùng bởi khí hậu khắc nghiệt miền Trung (lắm bão, nhiều mưa nhất nước).
Những cô gái chàng trai bụng luôn đói, mặc rách mà chèo nôốc giỏi dang, đẵn gỗ ngã cây sắc lẹm như “lâm tặc” (thợ rừng); đào đất, ke vác – sương gánh dẻo dai trăm ki-lô-gam có dư – quả là “nhất thổ – nhì mộc”! Càng không thua kém nông phu (“lực điền”) vì đang sức ăn sức lớn… Đó là Hoàng Thị Suê, Huỳnh Đặng Phằng, Hoàng Văn Duy (cả 3 ở xóm Nam, làng Minh Lệ) và Nguyễn Văn Nam (người thôn Thọng Thóng) 4 bạn ni đều cùng xã Quảng Minh; Mai Thị Nậy (xóm Minh Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn), Phan Văn Khiêng (xóm Đình Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn); Lê Quế, Nguyễn Thế Đạt – biệt danh “Gia Nã Đại” (thôn Lâm Xuân, xã Quảng Thủy) – cả hai đều đen trũi; riêng Quế thì cao vời vợi, còn Đạt lại lùn tịt như không có cổ, nhưng khỏe như…“lực sĩ”. Đặng Văn Cường (người Hòa Ninh, xã Quảng Hòa) to cao, vạm vỡ; bạn bè ví là “B52”! ( rồi thành biệt danh của anh ta). Cường được “chuyên môn hóa” làm lớp trưởng từ hồi còn học cấp 2; lên cấp 3 thêm chức “Bí thư Chi đoàn” nữa (từ lớp 8 đến hết lớp 10). Chàng trai này luôn phải gắng “gương mẫu” cho kỳ được trong mọi hoạt động nên Chi bộ nhà trường sớm kết nạp “Đảng” trước khi ra trường khá lâu (có lẽ cũng có thêm “yếu tố” chú ruột là “Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa” nên trong máu anh ta giàu “truyền thống Cách mạng” hơn chúng bạn, mới “vinh quang” và “đặc biệt” như vậy).
Lớp 10 năm học đầu tiên này, còn có thêm “sự đặc biệt” về khoản “văn nghệ”. Nguyên do là tôi từng làm “diễn viên chuyên nghiệp” trong các vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm, “Chiếc va ly khủng khiếp” và “Câu chuyện bang Tếch-dát” (Mỹ) của hai năm học bên Trường cấp 3 Quảng Trạch (khi chưa chia tách).
Về Trường Nam, thầy giáo trẻ Trần Văn Dũng tài năng, vẹn toàn cả chuyên môn lẫn hoạt động văn thể; thầy trực tiếp tham gia mọi khâu, chung tay dàn dựng lại hai vở kịch “Chiếc va ly khủng khiếp” và “Câu chuyện bang Tếch-dát”. Tôi và Lê Đình Thám là hai diễn viên chính; hình như còn có thêm bạn Lê Văn Dần, Nguyễn Đình Huyền (cả ba anh này đều người Quảng Trung). Ông giáo Trần Văn Dũng thực sự có năng khiếu âm nhạc, đã cùng học trò là Nguyễn Ngọc Khương (người làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc – học sau tôi 1 năm) sáng tác nên bài hát “Trường ca Nam Quảng Trạch”. Bài hát đã thành bài ca truyền thống của trường cấp 3 Nam Quảng Trạch – THPT số 2 Quảng Trạch – nay là Trường THPT Lê Hồng Phong, tỉnh Quảng Bình (tên lúc đầu là “Khúc hát Trường Nam” và vị trí đặc biệt của nó như đã nói ở trên). Đội văn nghệ Trường Nam hồi này có những nữ “danh ca” đẹp gái hát hay, lại học giỏi như Hoàng Bích Huyền (người xóm Nam, làng Minh Lệ), Nguyễn Thị Diệu (thôn Hợp Hòa – Quảng Hòa). Rồi mấy nàng tươi xinh nữa như: Đoàn Thị Thơ, Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Thanh – tục danh là “Coóc” (cả 3 O đều người Hòa Ninh) – những thiếu nữ này vừa thi được vào học khối lớp 8.
Lớp 10 có nam “danh ca” Phan Văn Khiêng (thôn Thọ Linh) với giọng cao vút, dày hơi và “chảnh” như “Doãn Tần” ngày nay; lớp 9B có “nhạc sĩ sáng tác” đồng thời là “nam ca sĩ” Nguyễn Ngọc Khương. Nghe đồn Khương giỏi thơ nhạc vì trong ban “Thánh ca” của Nhà thờ Vĩnh Phước.
Khi sang giao lưu và thi thố tài năng tại huyện (đóng trụ sở ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương) thì Hoàng Bích Huyền được cử làm “người dẫn chương trình” (giới thiệu) cho tiết mục kịch. Giọng nói “vùng Nam 9 xã” ngọt ngào trong trẻo, đôi mắt “lá răm” xa xăm (“Long lanh ánh mắt, nghiêng nghiêng nụ cười”) trên khuôn mặt thanh tú cùng dáng người mảnh mai với mái tóc dài thướt tha như “chị Sứ” (nhân vật trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của Anh Đức); nàng khiêm nhường, độc đáo trong bộ đồ bà ba đen giản dị… đã đốn tim cả mấy ngàn “nam thanh nữ tú” học sinh, thầy cô giáo các trường, bà con địa phương, dân thị trấn Ba Đồn về đây sơ tán. Chưa xem kịch, họ đã vỗ tay rầm rầm…
Chỉ một năm học tại Trường Nam, sau bao biến cố đất nước cùng tình riêng; biền biệt nơi xa xứ mà nhớ thương về cố hương – người cũ, trường xưa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • VĂN BẢN MỚI

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:70 | lượt tải:25

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:56 | lượt tải:26

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:50 | lượt tải:24

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:60 | lượt tải:29

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:62 | lượt tải:26
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,042
  • Tháng hiện tại18,208
  • Tổng lượt truy cập2,440,578
hinh anh dong phao hoa 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây