TRƯỜNG CẤP 3 NAM QUẢNG TRẠCH QUA NHỮNG LẦN CHUYỂN ĐỊA ĐIỂM: 1972, 1979, 1985

Thứ tư - 15/11/2017 03:47
Sau cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1968), các phòng học nằm rải rác trong dân ở thôn Cao Cựu – Quảng Hòa được tập trung về một địa điểm
Cũng ở trong thôn nhưng tập trung theo đúng tinh thần: trường ra trường, lớp ra lớp. Lần đầu tiên toàn trường được tập kết về một mối, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thi đua thực hiện nề nếp và các mặt hoạt động của trường. Nhưng thời gian thực hiện hòa bình của Mỹ thật là ngắn ngủi, từ ngày 06/04/1972, đế quốc Mỹ lại ồ ạt đưa máy bay, tàu chiến trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của tổng thống Mỹ Níchxơn vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của tổng thống Giônxơn cả về quy mô, tốc độ, cường độ đánh phá.
Đế quốc Mỹ quay trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ 2 (1972), Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch đã phân tích đặc điểm tình hình đánh phá của kẻ thù và nhận định các địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trong thời gian tới . Huyện ủy đã dựa trên cơ sở đó chỉ đạo và cho phép Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch dời vị trí sơ tán về một địa bàn mới để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ giáo viên.
Sau khi khảo sát thực tế địa hình, cân nhắc kỷ lưỡng về thuận lợi, khó khăn và những điều kiện có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và cơ sở vật chất của trường. Lãnh đạo trường quyết định xin đất của thôn Lâm Xuân, xã Quảng Thủy để dời trường về sơ tán. Phương án di chuyển trường đến địa điểm mới được quy định chặt chẻ, quân sự hóa “Tuyệt đối an toàn về người và cơ sở vật chất, tranh thủ thời gian giữa các đợt máy bay Mỹ ngừng đánh phá trong ngày để vận chuyển, đi lại. Theo dõi diễn biến cụ thể, quy luật đánh phá của máy bay Mỹ, các trạm gác trên đường phải kịp thời báo động để giản đội hình, ẩn nấp kịp thời”.
Gần 1000 con người đi đi, lại lại hàng ngày phải đến chục lần để khiêng bàn ghế, tủ, tranh tre, gổ lạt, toàn những “hàng” nặng đối với sức vóc bé nhỏ của học sinh. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường đã phát động phong trào “tiếng hát át tiếng bom” và “hai mươi ngày quyết thắng” đã thôi thúc phong trào thi đua, rút ngắn thời gian xây dựng phòng học giữa các lớp trong toàn trường. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Đăng chỉ huy chiến dịch như một “tư lệnh”, các thầy Bí thư chi bộ Đảng, Bí thư Đoàn trường như các “chính ủy” kịp thời động viên, khích lệ, động viên, nhân rộng điển hình những bông hoa tiêu biểu của học sinh trong toàn trường. Các thầy Phó Hiệu trưởng, ban lao động, giáo viên chủ nhiệm lớp trở thành bộ tham mưu giỏi trong “chiến dịch”.
Để tạo ra sức mạnh tổng hợp, lãnh đạo nhà trường đã kêu gọi các xã giúp đỡ thêm cho trường hàng trăm cây phi lao, bạch đàn, góp phần đẩy mạnh tốc độ xây dựng trường và hầm hào. Trường đã huy động nguồn lực từ trong dân, phụ huynh và học sinh. Các lớp được “khoán gọn” theo từng công việc công trình. Từ trong chiến tranh ác liệt, từ trong khó khăn vất vả mầm móng xã hội hóa giáo dục đang được hình thành và phát triển ở trường Nam.
Gần 20 ngày đêm vừa di chuyển vừa xây dựng, 18 phòng học của 18 lớp và hệ thống nhà ăn, nhà ở, văn phòng, phòng thí nghiệm, thư viện đã được hoàn thành. Hệ thống hầm hào, hầm chữ A, giao thông hào, chiến lũy bao quanh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc dạy và học.
Qua 6 năm học (từ năm học 1972-1973 đến năm học 1979-1980) trường đóng trên địa bàn xã Quảng Thủy, giữa nhà trường và địa phương đã xây đắp mối quan hệ thủy chung. Nhân dân Quảng Thủy đã dành cho nhà trường tình cảm sâu nặng, cùng chia ngọt sẻ bùi, đắng cay qua các lần bị máy bay Mỹ đánh phá, qua các trận bão lụt. Sau các trận bảo lũ, nhân dân Quảng Thủy đã giúp trường từng gánh rơm rạ đốt khô nền nhà cho cán bộ giáo viên, đốt khô nền đất các phòng cho học sinh. Nhân dân thôn Lâm Xuân giúp từng chiếc tranh để chói lại mái nhà bị bảo làm tốc mái. Thầy trò trường cấp 3 Nam Quảng Trạch để lại trong lòng nhân dân xã Quảng Thủy những ấn tượng vô cùng tốt đẹp nhờ tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái, tinh thần say mê giảng dạy, học tập không quản khó khăn, gian nguy, vất vả.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phòng, cả nước sạch bóng quân thù và bước vào một giai đoạn mới. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục và công cuộc đổi mới đưa cả nước đi lên CNXH, Ty giáo dục Quảng Bình, huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch quyết định cho trường dời địa điểm đóng trường đến một vị trí thuận lợi hơn để tiện cho học sinh cả vùng đi lại và chuẩn bị để xây dựng trường kiên cố.
Chuẩn bị vị trí để xây dựng Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch trở thành trung tâm giáo dục cho cả vùng Nam Quảng Trạch là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nhận thấy được tầm quan trọng đó, bác Trị - Bí thư Huyện ủy, bác Phạm Luyến - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch đã cùng với thầy Hiệu trưởng Trần Chấn, thầy phó Hiệu trưởng Đoàn Tiến Lực, Đinh Xuân Đạt nhiều lần lặn lội khảo sát thực địa ở nhiều nơi, sau khi cân nhắc kỷ từng vị trí và được sự đồng tình của nhân dân các xa vùng Nam, UBND huyện Quảng Trạch thống nhất chọn thôn Thanh Tân, Xã Quảng Hòa làm vị trí xây dựng Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch .
Ngày 10/08/1979 nhà trường làm lễ phát động “18 ngày dời trường và xây dựng trường mới”. Trường đã có kinh nghiệm tích lũy qua lần di chuyển năm 1972 ở Quảng Thủy và mầm móng xã hội hóa giáo dục đã được định hình lâu nay. Hội đồng nhà trường đã đi đến quyết định: “ghép lớp theo địa bàn các xã xa, gần với nhau, khoán gọn cho phụ huynh, học sinh từng lớp xây dựng, chăm lo, bảo quản, tu sửa lớp học của mình cho đến hét khóa học”.
Kế hoạch nhà trường đặt ra hợp lý, phương án khoán gọn hợp lòng dân. Vì vậy mà phong trào thi đua làm phòng học đẹp, làm chắc, làm nhanh giữa các lớp được nhân lên gấp bội. Đây là biện pháp sáng tạo huy động nguyên vật liệu từ các địa phương về tập kết xây dựng trường nhanh nhất, hiệu quả cao nhất. Các xã như Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Sơn, UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh chọn chặt một số cây bạch đàn ở các vườn cây phụ lão, vườn cây địa phương đưa đến làm cột, băng, kèo xây dựng các phòng học cho chính con em địa phương mình.
Với khí thế thi đua “18 ngày xây dựng” chỉ hơn 2 tuần lễ, 23 phòng học và một hệ thống nhà từ văn phòng tới thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, nhà ở của cán bộ giáo viên, sân bải được xây dựng hoàn thành với chất lượng tương đối tốt, gọn gàng ngăn nắp. Tuy vẫn mái rạ, vách đất nhưng được quét vôi trắng xóa duyên dáng, thoáng đảng. Vừa dạy - học, vừa tiếp tục tu sửa xây dựng, dù trong khó khăn thiếu thốn mọi bề, nhà trường vẫn đẩy mạnh phong trào “thi đua dạy tốt - học tốt”. Đoàn trường phát động phong trào thi đua về mọi mặt, xây dựng nề nếp, kỷ cương để đưa chất lượng dạy - học không ngừng phát triển. Công lao xây dựng giảng dạy, học tập, không ngừng phấn đấu đi lên về mọi mặt của trường được cấp trên ghi nhận. Ngành giáo dục tỉnh Bình Trị Thiên đánh giá đúng mức thành tích của nhà trường đã đạt được và công nhân danh hiệu trường đạt trường tiến tiến cấp tỉnh năm học 1982 - 1983.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường và ước mơ từ trong sâu thẳm của thầy trò, phụ huynh vùng Nam Quảng Trạch là có một ngôi trường ngói kiên cố. Để “tự cứu mình trước lúc trời cứu”, các thầy trong ban lãnh đạo thay phiên nhau hàng chục lần đi xuống huyện, lên tỉnh vào Sở Giáo dục xin kinh phí xây dựng trường kiên cố. Nhiều lần ra vào Huế, các thầy Đoàn Tiến Lực, Đinh Xuân Đạt, Hoàng Hiếu Nghĩa, Đoàn Tư đã “gõ” khắp các cửa xin kinh phí đầu tư xây dựng. Được sự tác động mạnh mẽ của Sở giáo dục với Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên, ngày 18/02/1984 UBND tỉnh Bình Trị Thiên ký quyết định số 232/QĐ-UB cấp kinh phí đầu tư xây dựng trường cấp 3 Nam Quảng Trạch gồm khu học tập nhà 2 tầng và hệ thống văn phòng, thư viện, nhà giữ trẻ, nhà ở của cán bộ giáo viên (bao gồm 9 hạng mục công trình).
Theo tổng thể quy hoạch mới của trường, nhà trường một lần nữa dời địa điểm qua khu vực quy hoạch xây dựng để đảm bảo tốt hai nhiệm vụ chiến lược “vừa dạy - học, vừa xây dựng”. Vào đầu năm học 1985-1986, thầy trò và phụ huynh trường Nam lại dỡ trường, di chuyển vị trí, lại xây dựng các phòng học mới chạy dài, bao quanh công trường xây dựng dãy nhà 2 tầng .
Dời trường, di chuyển lần này tuy địa điểm rất gần nhưng không kém phần vất vả, khó khăn vì thời tiết bất thường. Bắt đầu di chuyển được 3 ngày, các lớp chưa dựng được phòng học thì trời đã đổ mưa xối xả và kéo theo một trận lụt lớn. Khẩn trương ổn định để bước vào khai giảng năm học mới, sau hai ngày tương đối gấp rút dọn lụt, thầy trò và phụ huynh 10 xã vùng Nam lại phải dầm mưa, tiếp tục lao động, dựng nhà, lớp mái, trát vách đất, chỉ sau 4 ngày, 16 phòng học được hoàn thành chu đáo và đưa vào sử dụng đúng ngày khai giảng năm học mới.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1966-2016), điểm lại những lần di chuyển địa điểm của nhà trường nhằm mục đích thích ứng với những yêu cầu của lịch sử, chúng ta mới thấy trân trọng và cảm ơn hơn những thành quả mà biết bao thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, học sinh và phụ huynh đã góp sức xây dựng nên Trường THPT Lê Hồng Phong phát triển như hiện nay. 

Tác giả bài viết: (Theo Nguyễn Tuấn Anh - TPCM Sử-Địa-GDCD)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • VĂN BẢN MỚI

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:70 | lượt tải:25

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:56 | lượt tải:26

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:50 | lượt tải:24

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:60 | lượt tải:29

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:62 | lượt tải:26
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,042
  • Tháng hiện tại18,262
  • Tổng lượt truy cập2,440,632
hinh anh dong phao hoa 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây