HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG – NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Thứ sáu - 17/11/2017 04:47
Để đáp ứng với yêu cầu phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng và yêu cầu phát triển mạng lưới giáo dục trong điều kiện cả nước có chiến tranh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Tỉnh Quảng Bình, đầu tháng 7 năm 1966, lãnh đạo Ty giáo dục Quảng Bình đã quyết định cho trường cấp 3 Quảng Trạch tách ra thành 2 trường cấp 3. Đến đầu tháng 8 năm 1966, Bộ Giáo Dục, UBND tỉnh Quảng Bình chính thức ký quyết định thành lập trường cấp 3 Nam Quảng Trạch.

1. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng và yêu cầu phát triển mạng lưới giáo dục trong điều kiện cả nước có chiến tranh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Tỉnh Quảng Bình, đầu tháng 7 năm 1966, lãnh đạo Ty giáo dục Quảng Bình đã quyết định cho trường cấp 3 Quảng Trạch tách ra thành 2 trường cấp 3. Đến đầu tháng 8 năm 1966, Bộ Giáo Dục, UBND tỉnh Quảng Bình chính thức ký quyết định thành lập trường cấp 3 Nam Quảng Trạch. Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch ra đời, chính là đứa con thứ 5 của các trường cấp 3 ngành giáo dục Quảng Bình. Trong quá trình đi lên và trưởng thành, trường đã được nhân dân vùng Nam Quảng Trạch, đặc biệt nhân dân thôn Cao Cựu, Thanh Tân (Quảng Hòa), nhân dân xã Quảng Thủy đùm bọc, cưu mang, tạo điều kiện thuận lợi nhất để vươn lên, phát triển trong những năm đầu xây dựng và cả chặng đường đi lên đầy cam go trong 49 năm qua.
2. Sau khi khảo sát thực tế địa hình, phân tích đặc điểm, tình hình địa bàn và vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, dựa vào địa bàn dân cư, đường đi lại thuận lợi nhất cho học sinh thời chiến, UBND huyện Quảng Trạch quyết định chọn mảnh đất Cao Cựu, Xã Quảng Hòa làm nơi để xây dựng trường cấp 3 Nam Quảng Trạch.
3. Hòa chung với niềm vui chung của cả nước, ngày 5-9-1966 Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch long trọng tổ chức khai giảng năm học 1966-1967 (năm học đầu tiên của trường). Kết quả cuối năm học trường gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc. Đội học sinh đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh mang về thành tích cho trường đáng trân trọng. Em Nguyễn Hữu Trường đạt giải nhất môn văn, giải nhì môn toán, em Lê Đình Thám đạt giải nhất môn văn, em Lê Văn Dần đạt giải ba môn toán (Kỳ thi HSG lớp 10 (10/10) toàn tỉnh: chỉ tổ chức 2 môn Văn – Toán). Kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 trường đậu 100% . Học sinh của ba lớp 8, hai lớp 9 lên lớp thẳng 95%. Qua mỗi năm học, nhà trường lại lớn dần lên cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất của trường ngày một khang trang hơn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên ngày càng đông hơn về số lượng. Chất lượng giảng dạy - học tập ngày càng được tăng cao. Hầu hết số học sinh lớp 10 sau khi tốt nghiệp đã thi đậu vào các trường đại học, các trường trung học chuyên nghiệp và một số em được cử đi học đại học ở các nước XHCN anh em.
4. Năm học 1969-1970 nhà trường đã quy tụ các phòng học nhà hầm nằm rải rác trong dân về một địa điểm. Với 12 phòng học mái rạ, vách đất đứng ngay ngắn, gọn gàng sát bên nhau. Trường đã tạo ra một cảnh quan mới, ra sức thi đua xây dựng đẹp lớp, đẹp trường tạo nên một nề nếp tốt trong dạy - học, trường THPT Nam Quảng Trạch luôn thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
5. Chuẩn bị bước vào năm học 1972-1973, nhà trường lại chuyển địa điểm sơ tán về xã Quảng Thủy. Trong hơn 3 tuần, trường khẩn trương lao động, di chuyển phòng học, bàn ghế, cơ sở vật chất, các phương tiện dạy-học của trường đến địa điểm mới. Toàn trường lại dựng lại từng phòng học, làm sàn chống bom bi, chống cháy bom Napan, đào đắp hệ thống hào giao thông, hầm chữ A bao quanh lớp học, trường học. Phụ huynh 10 xã vùng Nam đã tận tâm, tận lực đóng góp nguyên vật liệu, dồn hết sức người, sức của cho nhà trường, vì nhà trường, vì học sinh thân yêu. Đội ngủ thầy cô giáo và hơn 500 em học sinh lại vượt qua mưa bom bảo đạn của kẻ thù, khiêng vác hàng chục tấn nguyên vật liệu, đào đắp hàng trăm mét khối đất, xây dựng lại 12 phòng học, một nhà văn phòng, một hệ thống nhà ở, nơi nghĩ ngơi, làm việc hội họp của các thầy cô giáo và CBCNV nhà trường.
6. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn được giải phóng, non sông đất nước thu về một mối, đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù, cả nước đi lên CNXH. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới của Đảng và nhiệm vụ mới của ngành giáo dục tỉnh nhà về hướng phát triển, xây dựng quy mô hệ thống các trường cấp 3, trường cấp 3 Nam Quảng Trạch lại nhận được lệnh của cấp trên dời địa điểm trường đóng tại xã Quảng Thủy về lại xã Quảng Hòa.
7. Bước vào đầu năm học 1979 -1980, lần thứ 3 trường cấp 3 Nam Quảng Trạch lại di rời địa điểm trường đóng về địa bàn mới, một lần nữa trường lại được sự đùm bọc, cưu mang của Đảng bộ, nhân dân xã Quảng Hòa, đặc biệt nhân dân thôn Thanh Tân. Quy mô của trường lúc này lớn hơn so với 2 lần di chuyển trước đây với 23 lớp hơn 1000 học sinh, 63 cán bộ giáo viên.
8. Ước mơ của giáo viên, cán bộ và nhân dân vùng Nam Quảng Trạch có một ngôi trường kiên cố để bớt sự vất vã cho học sinh và giảm sự đóng góp công của, sức lực của các bậc phụ huynh. Đây là nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân và chính quyền của 10 xã vùng Nam, là yêu cầu, nguyện vọng bức thiết của thầy trò Trường Nam để nhằm đưa chất lượng dạy học chuyển qua một giai đoạn mới. Ngày 18-2-1984 UBND tỉnh Bình Trị Thiên ký quyết định 232/QĐ-UB cấp vốn xây dựng cho 12 hạng mục công trình và cấp 21.000m2 đất lâu dài (bao gồm 2 khu vực: khu vực học tập và khu vực sân vận động) để xây dựng trường. Qua 6 năm xây dựng (1984-1990), ngày 10 tháng 4 năm 1990 nhà trường cùng với UBND huyện Quảng Trạch, Sở GD-ĐT Quảng Bình, nhân dân 10 xã vùng Nam Quảng Trạch long trọng làm lễ khánh thành, cắt băng khánh thành dãy nhà hai tầng gồm 8 phòng học.
9. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đây là cái mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển qua thời kỳ đổi mới, đổi mới toàn diện, đồng bộ từ kinh tế, chính trị tư tưởng, văn hóa xã hội. Thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Trường THPT cấp 3 Nam Quảng Trạch có bước chuyển biến mới về cơ cấu tổ chức, phương thức làm việc, năng động sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong giảng dạy - học tập.
10. Từ năm học 1986-1987 số lượng học sinh, số lượng lớp ngày một tăng, trường phải học hai ca, phải làm thêm phòng học tạm nhưng ngày càng bất cập về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học. Cũng trong năm học 1990-1991, Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch đã được đổi thành trường THPT số 2 Quảng Trạch. Nhận thấy được quy mô phát triển và yêu cầu bức thiết của nhà trường, ngày 02-04-1999 UBND tỉnh Quảng Bình ký quyết định 162/QĐUB với phương thức chìa khóa trao tay với 10 phòng học. Ngày 21-03-2000 UBND tỉnh Quảng Bình, Sở GD-ĐT Quảng Bình và nhà trường đã long trọng làm lễ khánh thành 10 phòng học kiên cố, khang trang và đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc dạy và học.
11. Từ năm 2000 cho đến nay, công tác dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng cao rõ rệt, từ chất lượng giáo dục toàn diện đến chất lượng mũi nhọn, đặc biệt năm học 2008-2009 nhà trường đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận Tập thể lao động xuất sắc. Từ ngôi trường này đã có nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, THCN (riêng trong năm học 2012-2013 có trên 250 em thi đỗ vào ĐH, CĐ, TCCN, đạt tỷ lệ 50%) và có em thi đỗ 2 đến 3 trường đại học với điểm số cao như: Mai Văn Sĩ đỗ Đại học Cảnh sát nhân dân với 29 điểm, Đại học Y Huế 28,5 điểm (năm học 2006-2007); Phan Tiến Đạt đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội 28,5 điểm, Đại học Y Huế 28 điểm và Nguyễn Văn Thuyết đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội 29 điểm, Đại học Y Huế 28,5 điểm (năm học 2007-2008). Đặc biệt, trong năm học 2010-2011, nhà trường có học sinh Phạm Thái Sơn đã vượt lên với điểm số cao 29,5 điểm, trở thành thủ khoa của Trường đại học Y Huế và cũng là một trong ba thủ khoa có điểm cao nhất của cả nước.
12. Năm học 2012-2013, nhà trường đã đánh dấu bước tiến dài bằng những thành tích tiêu biểu: Đội tuyển học sinh giỏi của trường đạt 52 giải tại các kỳ thi cấp tỉnh và 02 giải cấp quốc gia; đội tuyển điền kinh của trường đạt 05 huy chương các loại tại giải điền kinh do ngành giáo dục tổ chức, riêng đội bóng chuyền nữ đạt huy chương bạc tại đại hội thể thao huyện Quảng Trạch. Điều đáng nói là, trong số học sinh đỗ tốt nghiệp, có trên 45% học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng, nhiều em đỗ vào 2 trường đại học với điểm số cao. Kết thúc năm học 2012-2013, có 23 giáo viên đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và 5 giáo viên đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Trường THPT số 2 Quảng Trạch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm vụ năm học, được UBND tỉnh tiếp tục công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Đảng bộ đạt danh hiệu tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2012. Cũng trong năm học vừa qua, trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo từ năm học 2009-2010 đến năm học 2011-2012
13. Tiêu biểu nhất, ngày 14/06/2013, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định số 1365 QĐ/UBND công nhận Trường THPT số 2 Quảng Trạch là Trường đạt chuẩn Quốc gia. Đây sẽ là cơ sở để thầy và trò trường THPT số 2 Quảng Trạch có những bước tiến dài trong thời gian tới.
14. Trong năm học 2013-2014, trường THPT Lê Hồng Phong đã khắc phục những khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được Nhà trường thực hiện tốt tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng, Trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đoàn học sinh khối 11 và khối 12 đạt kết quả cao. Trong đó khối 11 xếp thứ ba toàn đoàn. Đặc biệt, trong năm học này có hai em đạt giải quốc gia môn tiếng Anh và môn Toán.
15. Ngày 16/05/2014, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định số 1220/QĐ – UBND đổi tên trường từ trường THPT Số 2 Quảng Trạch thành Trường THPT Lê Hồng Phong. Đây là một thay đổi có tính chất bước ngoặt của trường Nam Quảng Trạch. Phát huy truyền thống nhà trường, với 36 lớp, gần 1500 học sinh. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Cơ sở vật chất đã từng bước được xây dựng khang trang, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học được trang bị đầy đủ. Đón chào năm học mới 2014-2015, thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong với một tâm thế thực hiện thắng lợi xuất sắc nhiệm vụ năm học đầu tiên triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và đặc biệt là hướng tới kỉ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Lê Hồng Phong vào tháng 3 năm 2016. 
 

(

Nguồn tin: Theo Nguyễn Tuấn Anh )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • VĂN BẢN MỚI

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 22 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:69 | lượt tải:25

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 20 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:55 | lượt tải:26

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 19 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:49 | lượt tải:24

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 18 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:60 | lượt tải:29

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Kế hoạch tuần 17 năm học 2022 - 2023

Lượt xem:61 | lượt tải:26
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,042
  • Tháng hiện tại18,035
  • Tổng lượt truy cập2,440,405
hinh anh dong phao hoa 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây